Báo cáo của Chính phủ cho biết,
quá trình thực hiện CCHC thời gian qua gắn với triển khai thực hiện Chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 đã đạt được những thành tựu
quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của
đất nước ta.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ban
Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành tổng kết thực
hiện Chương trình tổng thể nhằm đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời, chỉ
ra những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ
chức thực hiện công tác CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 và đề ra phương hướng,
nhiệm vụ CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030. Thành công của chương trình CCHC
Nhà nước có sự đóng góp của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Để thực hiện thắng lợi công tác CCHC
giai đoạn 2021-2030, Bộ Nội vụ đã ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền
CCHC nâng cao nhận thức, trách nhiệm tổ chức thực hiện CCHC của cán bộ quản lý
các cấp; cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ;
giám sát hoạt động thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức
với các nội dung thông tin, tuyên truyền CCHC tuyên truyền các nội dung theo
Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030, thông tin các quan
điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về CCHC, vai trò,
trách nhiệm của các cấp ủy đảng, của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp,
người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập đối
với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC.
Kế hoạch thông tin, tuyên truyền, phổ
biến các nội dung về hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật của nền hành chính
phù hợp với Hiến pháp năm 2013; tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ CCHC, lập
pháp và tư pháp; hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế về sở hữu, doanh nghiệp
Nhà nước; hoàn thiện thể chế về tổ chức và kinh doanh vốn Nhà nước; đổi mới
công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm
2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật (năm 2020), kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính từ khâu
dự thảo; tăng cường xây dựng và hoàn thiện các hình thức công khai, minh bạch tất
cả các thủ tục hành chính, trọng tâm là các lĩnh vực: đầu tư; đất đai, xây
dựng; sở hữu nhà ở; thuế; hải quan; xuất khẩu; nhập khẩu... Các quy định của
pháp luật về quản lý, tuyển dụng, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ,
công chức, viên chức trong hệ thống hành chính; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm
của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ, đặc biệt là
trong giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức. Tình hình triển khai và kết quả
thực hiện chỉ số CCHC và chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối
với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; các đề án, dự án CCHC do các bộ,
cơ quan ngang bộ chủ trì theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Kế hoạch nhấn mạnh đến việc thông tin,
tuyên truyền về tình hình triển khai các nội dung hiện đại hóa hành chính, trọng
tâm là xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử theo Nghị quyết 17/NQ-CP
ngày 17/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển
Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, tình hình triển
khai chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm
2030 được ban hành tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng
Chính phủ.
Công tác thông tin, tuyên truyền về
CCHC tập trung vào những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, nguyên
nhân cũng như tình hình triển khai nhiệm vụ CCHC của các bộ, ngành, địa phương,
các mô hình, cơ chế đang được triển khai thí điểm, các điển hình tốt trong CCHC
ở Trung ương và địa phương, các quy định của pháp luật về mối quan hệ giữa
Nhà nước và nhân dân; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức
trong việc tham gia và giám sát tiến trình CCHC.
Để công tác thông tin tuyên truyền được
đa dạng phong phú cần thông qua tất cả các loại hình báo chí và huy động, sử dụng
các phương tiện thông tin đại chúng, gồm: các đài phát thanh, đài truyền hình
và cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương, địa phương; các loại hình báo chí
chuyên ngành, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của các bộ,
ngành, địa phương, phát hành bản tin điện tử CCHC của Văn phòng Ban chỉ đạo
CCHC của Chính phủ, phát hành tờ gấp, pa nô, áp phích liên quan đến CCHC, phù hợp
với từng mục tiêu, yêu cầu, nội dung tuyên truyền, phổ biến đến từng nhóm đối
tượng. Thông qua hình thức tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, quán triệt nội
dung, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CCHC Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức; lồng ghép nội dung CCHC trong các hội nghị tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật.
Một trong những điểm mới của công tác
thông tin, tuyên truyền về CCHC là đưa nội dung CCHC phù hợp vào công tác tuyển
dụng công chức, viên chức và chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức;
các chương trình sân khấu, hài kịch; các cuộc thi tìm hiểu chính sách pháp luật,
đưa nội dung thông tin về tình hình triển khai, kết quả CCHC phù hợp vào
chương trình họp báo định kỳ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Các cơ
quan thông tin, truyền thông, các tổ chức đoàn thể để phát động, tổ chức các
cuộc thi tìm hiểu, thi viết về CCHC; xây dựng mạng lưới cộng tác viên đưa tin,
bài về CCHC, ký kết các Chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền về CCHC
giữa Bộ Nội vụ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội
Cựu chiến binh Việt Nam, Công đoàn viên chức Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam,
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam./.